Dự án trọng điểm Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 sẽ cho ra một phần nhỏ sản phẩm thương mại từ cuối 2024 và bắt đầu đóng góp đáng kể từ 2025.
Theo vị CFO Phạm Thị Kim Oanh của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) chia sẽ: "Mất 4 năm mới có thể đạt công suất 5,6 triệu tấn, do đó sản lượng tiêu thụ sẽ tăng dần dần theo thời gian và nằm trong kế hoạch bán hàng của tập đoàn".
Theo dự phóng, lò cao số 1 của Dung Quất 2 dự kiến hoạt động 50-60% công suất trong năm đầu tiên 2025 (tức chỉ khoảng 1,5 triệu tấn HRC), năm 2026 đạt tỷ lệ 80% và dự kiến hoạt động hết công suất trong giai đoạn 2027-2028.
Xuất khẩu chiếm tỷ trọng 30% doanh thu Hòa Phát, Sản lượng còn lại sẽ được tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trong đó, bản thân nội bộ Hòa Phát cũng sẽ phát triển hệ sinh thái bao gồm tăng năng lực các nhà máy ống tôn, thép container, điện máy…
Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, rộng 700ha. Dự án này được khởi công vào năm 2022 với tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất 5,6 triệu tấn HRC/năm, được chia làm 2 phân kỳ. Dự án được tài trợ bởi 50% vốn vay, với sự hỗ trợ của 8 ngân hàng lớn.
Về tiến độ, Hòa Phát đã hoàn thành lắp đặt dây chuyền chính của phân kỳ 1 và đạt 50% tiến độ của phân kỳ 2. Lò cao đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong cuối năm 2024. Phân kỳ 2 được lên kế hoạch hoàn thành vào quý IV/2025
Về tổng công suất, dự án Dung Quất 2 sẽ giúp nâng tổng công suất thép thô của Hòa Phát vượt mức 14,5 triệu tấn/năm, tập trung vào dòng thép cuộn cán nóng (HRC) và dòng thép chất lượng cao.
Hòa Phát đang xuất khẩu sang những quốc gia nào?
Trong báo cáo thường niên gần nhất của Hòa Phát, doanh nghiệp đã mang về 34.287 tỷ đồng từ hoạt động xuất khẩu, tương đương 1,5 tỷ USD và đóng góp 30% tổng doanh thu của tập đoàn. Thị trường xuất khẩu của Hòa Phát rất đa dạng với trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp 5 châu lục như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, các nước châu Âu…
Cụ thể, sản lượng bán hàng HRC đạt 2,8 triệu tấn, trong đó lượng xuất khẩu lần đầu vượt 1 triệu tấn. Không những thế, thép dự ứng lực Hòa Phát đã xuất khẩu tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Mỹ, Canada, Brazil, Đài Loan, Mexico.
Về lĩnh vực tôn mạ, sản lượng xuất khẩu đạt đóng góp 139.000 tấn, tương đương 42% tổng sản lượng bán hàng của Tôn Hòa Phát. Hiện thị trường xuất khẩu chính của Tôn Hòa Phát là các quốc gia, vùng lãnh thổ tại châu Âu, châu Á, châu Mỹ, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là tôn mạ kẽm và mạ lạnh.
Về sản phẩm nông nghiệp, hiện Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát bước đầu đã xuất khẩu trứng gà sang một số quốc gia như Lào, Campuchia.
Về mảng điện máy, giữa tháng 10 vừa qua, Điện lạnh Hòa Phát đã xuất khẩu dòng tủ lạnh Double Inverter sang Hoa Kỳ. Sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, mở ra cơ hội lớn để Hòa Phát khẳng định vị thế và khai thác tiềm năng của thị trường này trong tương lai.
Trên thị trường xuất nhập khẩu thép
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu thép về Việt Nam tiếp tục tăng cao. Trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu gần 12,3 triệu tấn sắt thép, trị giá trên 8,97 tỷ USD, tăng 31,7% về lượng và tăng 19% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá nhập khẩu trung bình là 729,5 USD/tấn, giảm 9,7%.
Trong đó, riêng tháng 9 nhập khẩu gần 1,55 triệu tấn sắt thép, tương đương trên 1,06 triệu USD, tăng 15,4% về lượng và 4,3% về kim ngạch. Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, với 8,31 triệu tấn, tương đương gần 5,36 tỷ USD, tăng 50,6% về lượng, tăng 37,8% về trị giá so với cùng kỳ. Thép nhập từ Trung Quốc chiếm 67,6% trong tổng lượng và chiếm 59,7% trong tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này của cả nước. Giá trung bình nhập khẩu thép từ thị trường này là 644,5 USD/tấn, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước bối cảnh đó, các doanh nghiệp ngành thép đã nộp hồ sơ khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Trung Quốc. Nếu thành công sẽ khiến giá hàng hóa Trung Quốc tại thị trường Việt Nam bị đẩy lên cao hơn, mở ra cơ hội chiếm lĩnh thị trường của hàng hóa nội địa, mà ở đây chính là mở ra cơ hội cho HPG khi Dung Quất 2 đưa vào vận hành.
Bên cạnh đấy, HPG cũng đã cạnh tranh sòng phẳng với Trung Quốc về chi phí sản xuất. Theo MySteel, chi phí vận chuyển quặng sắt từ Úc, Brazil và than cốc từ Indonesia về Việt Nam và về Trung Quốc là gần như tương đương. Lưu ý rằng quặng sắt và than cốc chiếm lần lượt 27% và 37% trong chi phí sản xuất của lò cao. Tuy nhiên, HPG có lợi thế lớn đến từ: (1) giá cho thuê khu công nghiệp chỉ 45 - 50 USD/m2, so với mức trung bình hơn 66 USD/m2 của các doanh nghiệp thép Trung Quốc, chi phí nhân công rẻ và (2) chưa áp dụng các chính sách về môi trường như Trung Quốc (chênh lệch 30 USD/tấn, tương đương 6-8% giá thép hiện tại).
Với dự án Dung Quất 2, chi phí sản xuất của HPG sẽ tiếp tục được tiết giảm nhờ quy mô tăng 60%. Đồng thời, việc chi phí sản xuất đã cạnh tranh được với hàng Trung Quốc là yếu tố then chốt để Dung Quất 2 tiêu thụ tốt.